Các nhà khoa học có thể làm cho chuột "trẻ mãi không già", dự kiến 10 năm nữa có thể thử nghiệm trên con người

Phải chăng ta đã một bước gần hơn tới sự bất tử?


Nhiều năm trở lại đây, với chất lượng cuộc sống thay đổi cũng như y tế tiến triển hơn rất nhiều, con người đang kéo dài được tuổi thọ của mình ra. Nhưng dù vậy, ta có đang thực sự sống một cuộc sống khỏe mạnh không?

Việc già đi, sự lão hóa của một sinh vật sống là không thể tránh khỏi, chưa tính tới những căn bệnh quái ác đi kèm với tuổi già như bệnh tim mạch, ung thư, những bệnh liên quan tới rối loạn thần kinh như Alzheimer, …

Ta đã và đang đổ hàng triệu USD vào việc nghiên cứu và tìm ra một phương pháp chữa trị hữu hiệu cho những căn bệnh “chắc chắn sẽ đến không sớm thì muộn” kia, các nhà khoa học từ chối tin rằng đó là những căn bệnh vô phương cứu chữa. Cuối cùng thì ta cũng đã có được chút kết quả khả quan.

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Salk tại Mỹ đã có thể đảo ngược quá trình lão hóa của tế bào, nói cách khác là họ đã trẻ hóa được tế bào bằng cách kích thích 4 loại gen có khả năng biến đổi tế bào ngược lại giai đoạn phôi non. Những gen này đã được phát hiện ra vào năm 2012 bởi nhà nghiên cứu người Nhật Bản, giáo sư Shinya Yamanaka. Được đặt tên là “các nhân tố Yamanaka”, khám phá lớn về y học này đã đem lại cho tác giả giải Nobel.

Khi kích thích những gen này, chúng sẽ có thể biến đổi bất kì tế bào trưởng thành nào về trạng thái của một tế bào gốc vạn năng cảm ứng (Induced pluripotent stem cells – iPSC). Phương pháp kích thích có tên là tái lập trình tế bào này là một bước đột phá cực lớn bởi những iPSC kia có khả năng phân bào vô tận, có thể trở thành bất cứ tế bào nào.

Đội ngũ tại Viện nghiên cứu Salk tìm ra rằng khi học áp dụng phương pháp tái lập trình này vào tế bào con người, nó không chỉ làm tế bào khỏe lại mà còn đảo ngược mọi hiệu ứng của việc già đi gây ra bởi hội chứng progeria trên chuột, một hội chứng khiến cho sinh vật mắc phải sẽ già đi nhanh chóng. Tất cả thử nghiệm đều được tiến hành trên đĩa petri trong phòng thí nghiệm.

Họ đã có thể nuôi dưỡng và phục hồi những mô tế bào và nội tạng bị tổn thương gây ra bởi hội chứng progeria. Tuổi thọ của những tế bào được áp dụng tăng lên 30% so với trước đây.

Áp dụng phương pháp tái lập trình, tế bào trên chuột đã có thể hồi phục.

Theo những theo dõi trước đây và những giả thuyết chúng tôi đưa ra, thì sử dụng phương pháp tái lập trình tế bào để hồi phục hoàn toàn khả thi, nhưng những kết quả mới đây nhất vẫn làm chúng tôi cực kì bất ngờ”, đồng tác giả nghiên cứu Alejandro Ocampo nói.

Trên thực tế, không chỉ ở những con chuột bệnh, phương pháp trên đã được thử trên những con chuột già bình thường và các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy được rằng quá trình hồi phục của tuyến tụy và cơ bắp bị tổn thương bởi tuổi tác cũng nhanh hơn bình thường rất nhiều.

Liệu rằng đảo ngược tuổi thọ của tế bào có khiến chúng ta chạm được tay vào sự bất tử không? Có lẽ là không hoặc ít ra, có thể là chưa.

Chúng tôi không nghĩ rằng quá trình hồi phục này tồn tại mãi. Thực tế thì những con vật được thử nghiệm đều đã chết tại một mốc thời gian nào đó”, anh Ocampo nói. Bên cạnh đó, thử nghiệm với tế bào con người cho thấy những dấu hiệu già đi bắt đầu xuất hiện trở lại vào ngày thứ 8, tính từ khi quá trình hồi phục bắt đầu diễn ra.

Bằng chứng cho thấy cơ của chuột phục hồi sau khi chữa trị.

Phương pháp này vẫn còn những giới hạn khác nữa: “những nhân tố Yamanaka”, những gen này kích hoạt sự phân bào nhanh chóng. Chúng là một điểm mấu chốt quan trọng trong quá trình phát triển phôi thai nhưng ở tế bào trưởng thành, tốc độ phát triển nhanh có thể đồng nghĩa với một khối u phát triển nhanh.

Thử nghiệm cũng đã chứng minh như vậy, một số con chuột đã xuất hiện khối u và chết không lâu sau đó.

Cuối cùng thì, mục đích của nghiên cứu này không phải là để trẻ hóa người già, không phải để tìm kiếm sự bất tử. Các nhà khoa học nhắm tới việc phục hồi những vùng tế bào bị tổn thương trên cơ thể người, đem lại cho người khuyết tật một cuộc sống đầy đủ hơn.

Đội ngũ nghiên cứu dự tính sẽ tiến hành thử trên người trong vòng 10 năm tới. Ta hãy chờ xem khoa học nói chung và y tế nói riêng sẽ đạt được những thành tựu gì trong tương lai.

Tham khảo Quartz